Lối sống tối giản đến ngạc nhiên của người Nhật
Cách bố trí phòng khách là ví dụ điển hình nhất cho lối sống tối giản này. Không có tivi, tủ, đồ trang trí… bộ salon được thay thế bằng một chiếc bàn thấp truyền thống và nó sẽ không đòi hỏi sự cần thiết phải có bất kỳ chiếc ghế nào. Điều đặc biệt là, mặc dù đã được tối giản đến mức như vậy nhưng “gian phòng trống” này có vẻ như vẫn hoàn toàn đáp ứng được công năng chính của nó là làm không gian sinh hoạt chung và chỗ để tiếp khách.
Trong đại đa số các gia đình người Nhật, chúng ta có thể thấy họ ngủ ngay trên sàn nhà. Ngoài việc đây là một nét văn hóa lâu đời của "xứ sở phù tang" thì việc tinh giản chiếc giường cồng kềnh, thay vào đó là một tấm mền nhỏ gọn sẽ giúp tiết kiệm được một khoảng không gian đáng kể, nhất là với những ngôi nhà có diện tích khiêm tốn vốn chiếm đại đa số ở đất nước này.
Trong phòng ngủ, đôi khi sẽ có thêm một bộ bàn ghế đóng vai trò là góc làm việc. Như ta có thể thấy trên chiếc bàn này hầu như không có bất kỳ một vật dụng hay đồ trang trí gì, bởi người Nhật quan niệm rằng: càng ít đồ đạc thì càng tạo ra ít sự phân tâm lúc bộ não đang tập trung để làm việc và học tập.
Những đồ vật chỉ mang tính chất trang trí đơn thuần như tranh ảnh, tượng, đồ lưu niệm luôn bị xem là thừa thãi.Vì vậy điểm nhấn trong những căn hộ nhỏ ở đất nước này đôi khi chỉ là một chiếc đèn cây có màu sắc và họa tiết trang trí nổi bật.
Sắp xếp ngăn nắp tất cả mọi thứ cũng là bí quyết thích ứng với không gian sống hẹp của người Nhật Bản. Dù không cần đến tủ đồ mà chỉ với một hốc tường, người Nhật đã có thể cất trữ được hầu hết các đồ đạc cần thiết của cả nhà.
Trong gian bếp, hầu như các dụng cụ cần sử dụng thường xuyên sẽ được đặt ngay trên vị trí sơ chế thức ăn và nấu nướng bởi vì ngoài việc ngăn nắp thì yếu tố nhanh chóng cũng rất cần thiết đối với những con người được mệnh danh là bận rộn nhất thế giới này.
Ngoài các dụng cụ chế biến thì nồi, niêu, xoong, chảo sẽ được đặt ngay trên kệ bếp để có thể dễ dàng lấy chúng mỗi lúc cần. Để ý thấy,số lượng các loại dụng cụ làm bếp nằm ở mức “đủ dùng” nghĩa là không quá đa dạng nhưng vẫn đủ để chế biến bất kỳ món ăn nào.
Với những đồ đạc không thường xuyên được sử dụng trong nhà bếp sẽ được cất rất gọn gàng vào chạn, tủ. Chính vì vậy, khó có thể bắt gặp một gian bếp nào của người Nhật có các dao, dĩa để bừa bộn trên mặt bàn.
Minh Nhật
Theo BS